Tam cá nguyệt là gì? Sự phát triển của mẹ bầu và thai nhi trong từng giai đoạn tam cá nguyệt 

Nhiều mẹ trẻ lần đầu mang bầu thường thắc mắc về khái niệm tam cá nguyệt. Vậy tam cá nguyệt là gì, đặc điểm của từng giai đoạn?

Tam cá nguyệt là gì?

Tam cá nguyệt là khoảng thời gian từ khi mang thai đến lúc sinh nở. Thai kỳ 9 tháng 10 ngày được chia làm 3 giai đoạn, được gọi là 3 tam cá nguyệt, gồm:

  • Tam cá nguyệt thứ nhất: 3 tháng đầu thai kỳ
  • Tam cá nguyệt thứ hai: 3 tháng giữa thai kỳ
  • Tam cá nguyệt thứ ba: 3 tháng cuối thai kỳ

Trong mỗi tam cá nguyệt cả mẹ bầu và thai nhi đều có những thay đổi và phát triển nhất định. Để vượt cạn an toàn, em bé sinh ra khỏe mạnh, mẹ cần hiểu rõ về các tam cá nguyệt trong thai kỳ.

Các giai đoạn trong 3 tam cá nguyệt thai kì

Đặc điểm riêng biệt của từng kỳ tam cá nguyệt

Tam cá nguyệt thứ nhất

Khoảng 3 tuần đầu trong tam cá nguyệt thứ nhất, mẹ thường sẽ không nhận biết mình đang mang bầu. Đến tuần thứ 4, mẹ sẽ phát hiện chậm kinh, ngực đau tức, nhạy cảm với mùi, buồn nôn, khó chịu trong người.

Nhiều mẹ gặp không ít khó khăn trong sinh hoạt vì ốm nghén, không ăn uống được dẫn đến sụt cân. Lúc này, mẹ có thể dùng que thử thai để xác định chắc chắn mình có mang bầu hay không? Có những trường hợp chưa trễ kinh nhưng vẫn phát hiện ra mang bầu nhờ xét nghiệm máu.

Từ tuần thai 4-7, mẹ nên đến gặp bác sĩ để xem thai đã vào tổ chưa. Bác sĩ sẽ siêu âm đầu dò hoặc thành bụng. Siêu âm đầu dò phát hiện phôi thai từ rất sớm. Lúc này mẹ nên tập trung bổ sung dinh dưỡng và vitamin giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh.

Từ tuần thứ 10 – 12, mẹ nên nhớ lịch hẹn của bác sĩ để đo độ mờ da gáy hoặc xét nghiệm NIPT để xác định sớm nguy cơ mắc dị tật Down hay hội chứng liên quan đến sự bất thường của nhiễm sắc thể. Thời điểm này, bác sĩ cũng đã xác định được ngày dự sinh.

Trong tam cá nguyệt thứ nhất là thời điểm phôi thai hình thành, làm tổ, hình dáng giống con nòng nọc, sau đó dần có tạo hình hoàn thiện. Thai nhi sẽ hình thành mắt mũi, miệng, tay chân, não bộ và các cơ quan nội tạng,…

Tam cá nguyệt đầu tiên bụng mẹ vẫn chưa nhô cao

Tam cá nguyệt thứ 2

tam cá nguyệt thứ 2, mẹ bầu có những sự thay đổi lớn về ngoại hình, kích thước bụng bầu. Bụng bắt đầu nhô to lên, tăng cân nhanh chóng, và xuất hiện nhiều vết rạn. Mẹ bầu luôn có cảm giác thèm ăn nên lưu ý về chế độ ăn uống, kiểm soát dinh dưỡng đúng cách để không bị tiểu đường thai kỳ, cao huyết áp… dẫn đến nguy cơ sinh non, sảy thai, thai lưu…

Thời điểm này, mẹ bầu cần bổ sung nhiều dinh dưỡng hơn trong các bữa ăn hằng ngày. Đồng thời uống các loại vitamin tổng hợp, axit folic, canxi, sắt,… giúp thai nhi phát triển một cách tốt nhất.

Thai nhi ở giai đoạn này bắt đầu phát triển vượt bậc, các cơ quan trong cơ thể đã dần hoàn thiện. Đến cuối tam cá nguyệt thứ 2, tức là tuần thứ 28, hệ tiêu hóa, hô hấp đã hoàn thiện, bé biết mút tay, trườn, quẫy, đạp… Mẹ có thể cảm nhận một cách rõ ràng được.

Ở tam cá nguyệt thứ 2, em bé đã thành hình và chuyển động trong bụng mẹ

Tam cá nguyệt thứ 3

tam cá nguyệt thứ 3 sẽ dễ dàng nhận ra những thay đổi rõ ràng trên cơ thể của mẹ. Thai nhi lớn khiến cơ thể mẹ nặng nề vì tăng cân, tình trạng rạn da cũng nhiều hơn. Mẹ bị chuột rút, khó thở, đi tiểu nhiều lần trong ngày, đặc biệt là phải chịu những cơn gò sinh lý.

Thời điểm sắp về đích này, mẹ cần khám thai đúng với lịch hẹn của bác sĩ, lưu ý các dấu hiệu khác thường trong cơ thể để phát hiện thời điểm chuyển dạ đúng lúc.

Đối với thai nhi, trong 3 tháng cuối thai kỳ sẽ phát triển một cách vượt trội, bé quay đầu chuẩn bị chui ra khỏi bụng mẹ, các cơ quan trong cơ thể hoàn thiện, cân nặng tăng theo từng tuần. Khi nghe tiếng của mẹ, bé đạp mạnh phản hồi lại. Lớp da của bé mịn màng hơn, tóc mọc nhiều và dày.

Tam cá nguyệt thứ 3, mẹ nên nói chuyện với bé, cho bé nghe nhạc mỗi ngày

Các mốc khám thai định kỳ, mẹ không nên bỏ qua

Trong suốt thời gian thai kỳ, mẹ bầu nên chủ động đi khám thai theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi tình trạng sức khỏe thai nhi. Dưới đây là các mốc khám thai định kỳ tối thiểu, mẹ có thể khám thường xuyên hơn nếu có nhu cầu

  • Tuần thứ 5 – 8: Thời điểm quan trọng để xác định mẹ có thai hay không? Vị trí thai ở đâu, trong hay ngoài tử cung, có an toàn hay không?
  • Tuần thứ 11 – 13: Khảo sát hình thái thai nhi, thực hiện các xét nghiệm như NIPT, Xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, Double test…
  • Tuần 20 – 24: Khảo sát hình thái học thai nhi, test tiểu đường thai kỳ
  • Tuần 30 – 32: Theo dõi tình trạng thai, phát hiện các bất thường xuất hiện muộn như tắc ruột, giãn não thất, nhiễm trùng bào thai…
  • Tuần 32-34: Đo kích thước thai nhi, rau và ối, ngôi thai… theo dõi sự phát triển của thai nhi.
  • Tuần 34-36: Theo dõi sự phát triển của thai và sức khỏe của mẹ bầu, xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B.
  • Tuần 36 đến tuần 39: Giai đoạn này khá quan trọng vì sắp đến thời điểm sinh nở. Ngoài thăm khám, siêu âm, bác sĩ còn kiểm tra cổ tử cung xem đóng hay mở, khi nào chuyển dạ.

Qua những thông tin trên đây, những ai lần đầu làm mẹ sẽ hiểu rõ hơn về khái niệm tam cá nguyệt và đặc điểm của từng kỳ tam cá nguyệt. Hy vọng các mẹ bầu sẽ có một thai kỳ thật khỏe mạnh và chuẩn bị tốt nhất để chào đón bé yêu ra đời.

CÙNG CHỦ ĐỀ
tam cá nguyệt thứ hai
Tam cá nguyệt thứ 2 là gì? Những thay đổi của mẹ và bé trong 3 tháng giữa thai kỳ

Ở tam cá nguyệt thứ 2, mẹ bầu sẽ cảm thấy thoải mái vì hầu như không còn ốm nghén, ...

tam cá nguyệt thứ nhất
Tam cá nguyệt thứ 1 là gì? Những thay đổi của mẹ và bé trong 3 tháng đầu thai kỳ

Tam cá nguyệt đầu tiên là giai đoạn khá quan trọng trong thai kỳ. Cơ thể mẹ thay đổi rất ...

tam cá nguyệt thứ ba
Tam cá nguyệt thứ 3 là gì? Những thay đổi của mẹ và bé trong 3 tháng cuối thai kỳ

Ở tam cá nguyệt thứ 3 sẽ có nhiều sự thay đổi diệu kỳ trong cơ thể mẹ bầu, em ...

Liên Hệ