Tam cá nguyệt thứ 2 là gì? Những thay đổi của mẹ và bé trong 3 tháng giữa thai kỳ

Ở tam cá nguyệt thứ 2, mẹ bầu sẽ cảm thấy thoải mái vì hầu như không còn ốm nghén, thai nhi đã ổn định. Mẹ không cần kiêng cữ quá nhiều như trong 3 tháng đầu.

Những thay đổi của mẹ trong 3 tháng giữa thai kỳ

Dù không quá mệt mỏi như trong 3 tháng đầu thai kỳ nhưng ở thời điểm này mẹ cũng có những thay đổi trong cơ thể:

Bụng và ngực phát triển và to dần

Ngực tăng kích thước để chuẩn bị cho công cuộc nuôi con bằng sữa mẹ, tử cung mở rộng nên bụng bầu cũng sẽ tăng kích thước.

Các cơn co thắt Braxton Hicks

Ở tam cá nguyệt thứ hai, mẹ bầu thường sẽ cảm nhận được các cơn co thắt nhẹ khi vận động hoặc quan hệ tình dục.

Chóng mặt, choáng váng

Khi mang thai sẽ có những thay đổi trong tuần hoàn, khiến mẹ bầu có thể bị choáng váng đầu óc, huyết áp không ổn định. Vì thế mẹ nên ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để có đủ sức khỏe trong cả thai kì.

Tuy không quá mệt mỏi như ở tam cá nguyệt thứ nhất nhưng mẹ bầu vẫn thường choáng váng, chóng mặt

Có sự thay đổi về làn da

Khi mang thai, nội tiết tố trong người sẽ thay đổi kích thích sự gia tăng các tế bào mang sắc tố (melanin) trên da. Điều này dẫn đến tình trạng nám da mặt. Ngoài ra, ở da bụng, ngực, mông, đùi của mẹ bầu sẽ xuất hiện những đường màu nâu đỏ, trắng, hoặc tím, còn gọi là vết rạn da.

Các vấn đề về răng miệng

Trong cả tam cá nguyệt, răng miệng của mẹ bầu sẽ dễ bị ảnh hưởng, men răng yếu, nướu trở nên nhạy cảm. Mẹ bầu dễ đau răng, dễ chảy máu chân răng…

Chuột rút chân

Khi tuổi thai càng lớn thì tình trạng chuột rút ở chân càng xuất hiện nhiều, thường xảy ra vào ban đêm. Mẹ bầu nên nhờ chồng massage thường xuyên để cảm thấy thoải mái hơn.

Tiết dịch âm đạo

Khi mang bầu, mẹ có thể cảm nhận được dịch âm đạo nhiều hơn bình thường, âm đạo dính, trong hoặc trắng. Tuy nhiên, đây chỉ là dấu hiệu bình thường mẹ không nên quá lo lắng.

Sự thay đổi và phát triển của thai nhi trong tam cá nguyệt thứ 2

  • Tuần 13: Thời điểm này, em bé đã có thể thải ra nước tiểu vào nước ối và nuốt chúng. Xương cứng cáp hơn nhưng da còn mỏng và trong suốt.
  • Tuần 14: Nếu không làm xét nghiệm Nipt thì ở tuần này, khi siêu âm bác sĩ có thể nhận biết được giới tính của em bé. Em bé dài khoảng 87 mm từ đầu đến mông, nặng khoảng 45 gram.
Trong tam cá nguyệt thứ 2, em bé phát triển khá nhanh chóng
  • Tuần 15: Da đầu, tóc của em bé phát triển nhanh chóng. Xương vẫn tiếp tục hình thành và phát triển, có thể nhìn rõ qua siêu âm.
  • Tuần 16: Đầu cổ bé đã bắt đầu cứng cáp, mắt chuyển động linh hoạt hơn. Da của bé bắt đầu dày hơn. Em bé dài khoảng 120 mm, nặng gần 110 gram.
  • Tuần 17: Thời điểm này, hệ thống thần kinh, thính giác và thị giác của thai nhi đã bắt đầu phát triển. Não bộ giúp bé cảm nhận được các kích thích từ âm thanh, ánh sáng từ bên ngoài.
  • Tuần 18: Bé đã có thể nghe được âm thanh, mắt hướng thẳng về phía trước. Hệ tiêu hóa bắt đầu hoạt động.
  • Tuần 19: Bé có được lớp phủ giúp bảo vệ làn da mỏng manh khỏi trầy xước, nứt nẻ do tiếp xúc với nước ối. Các bé gái bắt đầu hình thành tử cung và ống âm đạo.
  • Tuần 20: Lúc này, em bé chuyển động nhanh, linh hoạt. Bé ngủ rồi thức giấc, chơi đùa với dây rốn. Nếu mẹ đứng ở nơi ồn ào, âm thanh lớn có thể khiến bé thức giấc và quẫy đạp trong bụng.
  • Tuần 21: Bé bắt đầu có kĩ năng mút ngón tay, ngón chân của mình. Xương của bé cũng dần cứng cáp hơn.
Hình ảnh thai nhi 21 tuần tuổi
  • Tuần 22: Thời điểm này, lông mày và tóc của em bé đã thấy rõ. Đối với các bé trai, tinh hoàn đã bắt đầu sa xuống.
  • Tuần 23: Dấu vân tay và dấu chân hình thành. Em bé bắt đầu có hành động nấc thường xuyên.
  • Tuần 24: Em bé giờ đây đã có lịch sinh hoạt riêng, vui chơi nghỉ ngơi xen kẽ. Có bé sẽ thức dậy vào lúc nửa đêm và đánh thức mẹ dậy cùng, có bé thức dậy khi mẹ ăn đồ ngọt
  • Tuần 25: Bé bắt đầu có phản ứng với giọng nói của mẹ, cũng có bé đạp thùm thụp vào bụng mẹ khi nghe thấy tiếng bố
  • Tuần 26: Thời gian này phổi của bé đang phát triển, chuẩn bị hít thở sau khi ra khỏi bụng mẹ. Bé hít vào trong phổi và thở ra dịch nước ối, đôi khi nuốt luôn chất dịch này.
  • Tuần 27: Hệ thần kinh của bé vẫn đang tiếp tục hoàn thiện. Bé cũng tăng mỡ, giúp da dẻ mịn màng hơn.

Chế độ ăn uống và sinh hoạt của mẹ bầu trong tam cá nguyệt thứ hai

Chế độ ăn uống

Trong tam cá nguyệt thứ 2, mẹ bầu nên bổ sung khoảng 2560 calo/ngày để đủ dinh dưỡng và năng lượng cho cả 2 mẹ con. Dưới đây là những dưỡng chất thiết yếu cần bổ sung:

  • Canxi: Có trong các thực phẩm như rau lá xanh đậm, cá, tôm, đậu… giúp em bé có xương chắc khỏe, mẹ không bị loãng xương
  • Axit Folic: Có trong các thực phẩm như chuối, bông cải xanh, măng tây, trứng…. giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh
  • Sắt: Có trong các thực phẩm như tôm, cua, ốc, gan động vật… giúp phòng ngừa nguy cơ thiếu máu.
  • I-ốt: Có trong các thực phẩm như cá biển, rong biển để ngăn ngừa nguy cơ sảy thai, sinh non.
  • Vitamin B1: Có trong thịt heo, các loại đậu… giúp mẹ bầu hạn chế nguy cơ bị phù nề và tê mỏi.
  • Kẽm: Có trong thịt bò xay, cua biển, hàu, đậu phụ và hạt bí ngô… giúp ngừa tiểu đường thai kì, thai nhi tăng cân nhanh, phát triển chiều cao
  • Kiêng ăn đồ nóng, cay, nhiều gia vị, nhiều dầu mỡ
Bầu nên kiêng ăn cay để hạn chế sinh non

Chế độ sinh hoạt

Cũng như ở tam cá nguyệt thứ nhất, ở giai đoạn thứ 2 này, mẹ bầu cũng nên vận động thường xuyên, khoảng 15 – 30 phút mỗi ngày. Mẹ có thể tập yoga, bơi lội, đi bộ, thiền để lưu thông tuần hoàn máu, ổn định huyết áp và giúp quá trình sinh nở dễ dàng.

Ngoài ra mẹ bầu nên tranh thủ ngủ đúng giờ, đủ giấc sẽ giúp tinh thần thoải mái, thai nhi ổn định hơn. Trước khi đi ngủ, mẹ hãy thai giáo cho thai nhi bằng cách trò chuyện, đọc sách, cho con nghe nhạc vì lúc này, hệ thần kinh và các giác quan của bé bắt đầu hình thành và kéo dài đến tam cá nguyệt thứ ba.

Mẹ hãy thường xuyên đọc sách, cho con nghe nhạc để phát triển não bộ

Những điều mẹ không nên làm trong tam cá nguyệt thứ 2

  • Để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé, mẹ nên tránh những điều dưới đây:
  • Không hút thuốc lá, uống rượu bia và dùng các chất kích thích
  • Tránh xông hơi, tắm nước quá nóng vì sẽ ảnh hưởng đến nhiệt độ của nước ối, gây ngộp cho thai nhi trong bụng
  • Hạn chế khom người, với người hoặc mang vác đồ nặng
  • Hạn chế nằm ngửa, nằm sấp hoặc nghiêng sang phải sẽ khiến tử cung chèn ép dạ dày và tĩnh mạch.
  • Mẹ có thể nằm nghiêng trái hoặc sử dụng gối chữ U cho thoải mái mà không ảnh hưởng đến em bé
  • Hạn chế mang giày cao gót, trang điểm đậm

Những lưu ý trong 3 tháng giữa thai kì, mẹ nên đi khám ngay nếu có những dấu hiệu sau:

  • Đau bụng dữ dội
  • Âm đạo ra máu
  • Khí hư ra nhiều, hôi, đổi màu, ngứa.
  • Chóng mặt, đau đầu nghiêm trọng.
  • Tăng cân nhanh (hơn 4kg mỗi tháng) hoặc đứng cân (cân không tăng), sụt cân
  • Vàng da.

Tam cá nguyệt thứ hai là khoảng thời gian mẹ bầu được thư giãn. Mẹ hãy dành thời gian để chăm sóc bản thân để em bé trong bụng phát triển tốt đồng thời chuẩn bị tinh thần bước vào tam cá nguyệt thứ 3 – chặng cuối trong hành trình mang thai.

CÙNG CHỦ ĐỀ
tam cá nguyệt thứ nhất
Tam cá nguyệt thứ 1 là gì? Những thay đổi của mẹ và bé trong 3 tháng đầu thai kỳ

Tam cá nguyệt đầu tiên là giai đoạn khá quan trọng trong thai kỳ. Cơ thể mẹ thay đổi rất ...

tam cá nguyệt thứ ba
Tam cá nguyệt thứ 3 là gì? Những thay đổi của mẹ và bé trong 3 tháng cuối thai kỳ

Ở tam cá nguyệt thứ 3 sẽ có nhiều sự thay đổi diệu kỳ trong cơ thể mẹ bầu, em ...

tam cá nguyệt là gì
Tam cá nguyệt là gì? Sự phát triển của mẹ bầu và thai nhi trong từng giai đoạn tam cá nguyệt 

Nhiều mẹ trẻ lần đầu mang bầu thường thắc mắc về khái niệm tam cá nguyệt. Vậy tam cá nguyệt ...

Liên Hệ