Sau sinh cơ thể mẹ khá yếu ớt cần kiêng khem khoa học để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và cả em bé. Dưới đây là những điều mẹ bỉm nên lưu ý khi ở cữ:
Mẹ nên kiêng cữ sau sinh bao lâu?
Theo quan niệm dân gian thời gian ở cữ của phụ nữ sau sinh phải ít nhất là 3 tháng 10 ngày, có người ở cữ 6 tháng. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng chỉ cần nghỉ ngơi 1 tháng là cơ thể đã hồi phục, với điều kiện mẹ bỉm có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi phù hợp.
Những điều phụ nữ nên kiêng để nhanh phục hồi sức khỏe
Kiêng cữ là điều cần thiết với sản phụ. Tuy nhiên, cần kiêng cữ khoa học và hợp lý, không nên kiêng cữ quá mức như quan niệm của người xưa. Dưới đây là những lưu ý khi ở cữ:
Không tiếp xúc nước lạnh
Bà đẻ trong thời gian ở cữ kiêng hoàn toàn việc tắm nước lạnh. Thay vào đó là xông mình bằng nước lá, lau mình hoặc tắm nhanh bằng nước ấm ở phòng kín gió để tránh bị nhiễm lạnh gây sốt, cảm cúm.
Không nằm than ở phòng kín
Phụ nữ ngày xưa nằm than trong lúc ở cữ với quan niệm giữ ấm cơ thể, máu huyết lưu thông, sản phụ nhanh hồi phục và em bé cứng cáp hơn. Tuy nhiên, hiện nay, các bác sĩ khuyên không nên nằm than vì than khi đốt cháy sẽ sinh ra khí CO và CO2 rất độc.
Nếu mẹ và bé hít phải sẽ bị ảnh hưởng đường hô hấp, viêm phổi. Nguy hiểm hơn, nếu bị ngộ độc khí dẫn đến ngạt thở, thậm chí tử vong.
Mẹ nên nằm ở phòng sạch sẽ, kín gió, sau sinh một tháng hai mẹ con có thể tắm nắng khoảng 15 – 30 phút trước 7 giờ sáng mỗi ngày, chứ không nên ở hẳn trong phòng. Điều này không chỉ giúp tăng sức đề kháng, mà còn phòng ngừa bệnh vàng da ở bé.
Giữ vệ sinh cá nhân
Nhiều mẹ kiêng cữ theo kiểu truyền thống ngày xưa, kiêng tắm gội càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, điều này không đúng, mẹ sau sinh vẫn có thể tắm gội nhưng tắm nhanh ở nơi kín gió, 2-3 ngày gội đầu 1 lần, đặc biệt vệ sinh sạch sẽ vùng kín để cơ thể thoải mái.
Mẹ có thể tắm nước ấm pha với gừng, rượu, sả, tinh dầu…Sau khi gội đầu cần dùng máy sấy hoặc khăn mềm để lau khô tóc nhanh.
Tránh nằm một chỗ
Phải nằm một chỗ để tránh đau lưng, tránh mỏi chân, mỏi tay là quan niệm ngày xưa. Theo y học hiện đại, việc đi lại nhẹ nhàng trong nhà sau giúp các cơ quan hoạt động và sinh nhiệt, làm ấm cơ thể, kích thích máu huyết lưu thông, cơ thể nhanh phục hồi hơn.
Không nên vận động mạnh, làm việc quá sức
Sau sinh, cơ thể chị em còn rất yếu, “Bà đẻ như con cua lột xác”. Vì thế, trong thời gian ở cữ cần nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc không nên làm việc quá sức, mang vác đồ nặng, leo trèo… Nếu vận động mạnh sẽ dễ làm bục vết mổ, lâu lành vết thương ở tầng sinh môn, thậm chí là suy giảm sức khỏe về lâu dài
Hạn chế tập thể dục cường độ cao
Sau sinh, mẹ bỉm nào cũng muốn về dáng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, trong thời gian ở cữ, mẹ không nên tập thể dục cường độ cao để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Lúc này cơ thể chưa hồi phục nên tập thể dục sẽ khiến cơ thể đuối sức, gây khó thở, ảnh hưởng vết mổ, thậm chí là băng huyết. Chỉ nên đi bộ, tập các bài tập nhẹ như yoga, thiền như lúc còn trong thai kì
Đối với sinh thường, sau khoảng 2-3 tháng, sinh mổ 4 tháng mẹ có thể tập thể dục trở lại bình thường.
Không tự ý uống thuốc giảm cân
Vì đang cho con bú nên mẹ không được tự ý mua thuốc, sử dụng thuốc giảm cân, thực phẩm chức năng khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ.
Trong thuốc sẽ có các thành phần ảnh hưởng chất lượng sữa, gây mất sữa và tác động đến sức khỏe trẻ sơ sinh.
Không quan hệ tình dục quá sớm
Khoảng 6 – 8 tuần sau sinh mới là thời điểm phù hợp để mẹ bỉm gần gũi với chồng. Bởi sau sinh, âm đạo chưa phục hồi, cơ thể còn yếu nếu quan hệ sớm dễ bị viêm nhiễm, chảy máu, và mắc các bệnh phụ khoa sau sinh.
Những việc nên làm trong thời gian ở cữ sau khi sinh
Ngoài những điều cần kiêng thì mẹ sau sinh cũng lưu ý những việc dưới đây để ở cữ đúng cách, nhanh phục hồi sức khỏe:
Ngủ đủ giấc
Sau sinh, ngủ đủ giấc là điều vô cùng quan trọng trong việc phục hồi cơ thể. Ngủ đủ giấc giúp tinh thần thoải mái, tránh trầm cảm sau sinh, và đặc biệt lượng sữa tiết ra nhiều hơn.
Uống đủ nước
Uống đủ nước là điều cần thiết, đặc biệt là với bà đẻ. Nên uống khoảng 2 lít nước/ngày, có thể uống thêm sữa, nước ép, trà thảo dược….Uống đủ nước giúp da dẻ săn chắc, quá trình trao đổi chất trong cơ thể diễn ra thuận lợi, hạn chế .. táo bón.
Chăm sóc vết mổ hoặc vết rạch tầng sinh môn
- Sinh thường
Nếu không thể tự mình vệ sinh tầng sinh môn, mẹ có thể thuê người vệ sinh cho mình trong vài tuần đầu. Khi bớt đau, mẹ có thể tự vệ sinh mỗi ngày.
Nếu vết rạch tầng sinh môn gây đau đớn, mẹ có thể xông với nước ấm để giảm đau. Nếu vết rạch gây khó tiểu, dội nước ấm lên vết thương để tiểu dễ dàng hơn. Khi đi vệ sinh, dùng khăn mềm lau khô từ trước ra sau để hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn.
- Sinh mổ
Sau khi xuất viện về nhà, vết thương vẫn sẽ đau, dần dần chuyển sang ngứa. Các mẹ yên tâm, đây là phản ứng bình thường sau sinh, nếu vết mổ rỉ mủ hoặc máu, nên đến bệnh viện để kiểm tra lại. Mẹ không nên đứng lên, ngồi xuống đột ngột, nhằm tránh gây áp lực lên vết mổ.
Nếu có thể, hãy nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn
Ít nhất trong 6 tháng đầu đời, bé được bú sữa mẹ hoàn toàn. Bé bú sữa mẹ giúp tiết kiệm tiền mua sữa ngoài, tiết kiệm thời gian hút sữa rửa bình sữa mà đặc biệt là được hưởng trọn dòng sữa dinh dưỡng quý giá, giàu kháng thể
Cho con bú còn giúp cơ thể mẹ nhanh hồi phục nhanh sau sinh và giảm cân hiệu quả.
Có biện pháp ngừa thai phù hợp
Khi quan hệ trở lại, vợ hoặc chồng nên chủ động tránh thai tránh việc mang thai ngoài ý muốn. Có thể sử dụng bao cao su, thuốc tránh thai dành cho phụ nữ cho con bú, que cấy tránh thai, đặt vòng… để bảo vệ sức khỏe sinh sản của người phụ nữ.
Nguyên tắc ăn uống sau sinh để mẹ khỏe không nên bỏ qua
Ăn đầy đủ chất
Sau sinh, chị em không nên kiêng khem quá nhiều, mà cần nạp đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Nguyên tắc ăn uống cần đủ 4 nhóm chất: đạm (thịt, cá, trứng), tinh bột (gạo, ngô, khoai), chất béo (dầu thực vật, mỡ động vật), vitamin và khoáng chất (rau, củ, quả).
Ăn đầy đủ giúp cơ thể nhanh hồi phục, lấy lại năng lượng đã mất, đồng thời tiết nhiều sữa cho con bú
Bổ sung nhiều chất xơ
Sau khi sinh, hoạt động của dạ dày và nhu động ruột chưa hoạt động trơn tru như trước. Vì vậy mẹ nên ăn nhiều chất xơ để ngăn ngừa táo bón, giảm bớt mệt mỏi.
Những loại thực phẩm phụ nữ sau sinh nên tránh
- Đồ ăn lạnh: Dễ bị ê buốt, chảy máu chân răng, rối loạn tiêu hóa
- Thực phẩm sống: Làm tăng nguy cơ ngộ độc và rối loạn tiêu hóa
- Thức uống có ga, cồn, caffein: Có hại cho dạ dày, dễ bị nôn ói và trào ngược. Em bé dễ cáu gắt, mất ngủ, uể oải.
Khi nào mẹ sau sinh nên đi khám bác sĩ?
- Sốt cao từ 38 độ C trở lên.
- Ra máu âm đạo, dịch tiết âm đạo có mùi
- Thị lực suy giảm
- Tiểu buốt, tiểu són, không kiểm soát được việc tiểu tiện.
- Đau bụng râm ran
- Vùng vú bị sưng, viêm, nứt hoặc chảy máu.
- Vết mổ hoặc vết rạch tầng sinh môn bị chảy mủ, đau nhức, có mùi hôi
- Có dấu hiệu trầm cảm sau sinh
Bài viết trên giúp chị em biết cần kiêng gì khi ở cữ để phục hồi sức khỏe nhanh chóng. Hy vọng các mẹ sẽ vượt qua khoảng thời gian ở cữ và tận hưởng thời gian hạnh phúc bên bé yêu của mình.
QuickStick không chỉ chia sẻ thông tin mà còn là bạn đồng hành cùng mẹ chăm sóc bé yêu. Hãy cùng Quickstick khám phá và ứng dụng nhé!