Bé 5 tuổi cần học những gì – Hẳn đây là thắc mắc của không ít phụ huynh khi có con đang bước vào độ tuổi này. Có vô vàn những bài học cần giáo dục cho trẻ ở giai đoạn 5 tuổi, vậy nên Quickstick gợi ý 10 bài học sau đây được xem là những kiến thức cơ bản và quan trọng nhất mà ba mẹ cần ưu tiên dạy dỗ cho các bé.
1. Trẻ 5 tuổi cần học chữ và số
Dạy chữ và số cho trẻ 5 tuổi là một bước quan trọng để chuẩn bị kiến thức cho trẻ trước khi bước vào lớp 1. Việc học viết chữ trong độ tuổi này giúp trẻ tránh bị bỡ ngỡ hoặc gặp khó khăn khi bắt đầu học chính thức, đồng thời đáp ứng xu hướng của nhiều ba mẹ ngày nay là cho con học sớm. Ở giai đoạn này, hầu như trẻ đã nắm khá vững ngữ âm, từ vựng, ngữ điệu, ngữ pháp. Ngôn ngữ của bé 5 tuổi cũng mạch lạc và nhuần nhuyễn hơn. Vốn từ của trẻ lúc này có thể đạt khoảng 3.000 đến 4.000 từ. Sự phát triển về ngôn ngữ chính là điều kiện quan trọng để trẻ học chữ và số để sẵn sàng bước vào lớp 1.
Học viết chữ trong giai đoạn này cũng góp phần nâng cao vốn từ vựng của trẻ và giảm thiểu khả năng chậm nói ở trẻ nhỏ. Quá trình dạy viết chữ và số ở độ tuổi này cần chú trọng đến các yếu tố tâm lý của trẻ và không nên nhồi nhét kiến thức cũng như ép buộc bé phải học quá nhiều. Theo đó, ba mẹ cần tạo sự cân bằng giữa học và chơi để quá trình tiếp thu kiến thức được diễn ra hiệu quả, tự nhiên. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng cần tham gia cùng con trong quá trình viết những nét chữ đầu tiên, để tăng cường tình cảm gia đình và giúp trẻ phát triển tư thế viết, phong cách viết chữ chuẩn.
Ba mẹ cũng cần đặc biệt chú trọng đến việc sửa lỗi phát âm cho trẻ. Tránh để trẻ nói ngọng trong thời gian dài, vì điều này sẽ gây khó khăn trong việc sửa chữa sau này và ảnh hưởng đến sự tự tin khi giao tiếp của các bé trong tương lai.
2. Học cách giao tiếp ứng xử
Học cách giao tiếp ứng xử chính là câu trả lời tiếp theo cho thắc mắc bé 5 tuổi cần học những gì. Theo đó, để trẻ phát triển toàn diện và thành công trong tương lai, kiến thức chỉ là một phần của các yếu tố quan trọng. Trong mọi trường hợp, thành công của một cá nhân đều phụ thuộc vào khả năng giao tiếp và ứng xử. Học cách giao tiếp sẽ giúp trẻ dễ dàng hòa nhập vào môi trường xã hội trong tương lai. Trẻ sẽ tự tin hơn trong việc kết nối với bạn bè và thể hiện những năng lực của mình. Ở độ tuổi lên 5, trẻ sẽ có khả năng kiểm soát và điều tiết cảm xúc của mình tốt hơn. Không những vậy, trẻ còn hào hứng với những hoạt động giao tiếp xã hội như kết bạn và mong muốn nhận được các phản hồi tích cực từ phía người lớn.
Do đó, ba mẹ cần tranh thủ ở giai đoạn này chỉ dạy bé cách cảm ơn và xin lỗi, dạy bé cách hỏi thăm, quan tâm, chào hỏi mọi người, dạy bé cách giao tiếp bằng mắt như nhìn thẳng vào mắt người khác khi đang nói chuyện. Ngoài ra, ba mẹ cũng nên chỉ dạy cho bé biết cách dùng câu hoàn chỉnh khi trả lời, biết tôn trọng cảm xúc và ý kiến của mọi người xung quanh, biết giữ trật tự nơi công cộng. Đặc biệt, ba mẹ cần làm gương để trẻ có thể noi theo. Vì độ tuổi này, mọi hành động của ba mẹ được bé xem là chuẩn mực, do đó phụ huynh cần cẩn thận trong mọi cử chỉ để các bé học theo sao cho thật đúng đắn.
3. Học năng khiếu theo sở thích
5 tuổi trẻ đã bắt đầu hiểu bản thân thích gì, đam mê gì. Những sở trường của bé cũng sẽ dễ dàng được bộc lộ ra bằng cách bé bỗng nhiên quan tâm đặc biệt về một lĩnh vực cụ thể nào đó. Chẳng hạn, bé thích vẽ, tô màu, thích múa hát, thích võ thuật hay đàn,… Do đó, ở giai đoạn này, ba mẹ nên quan sát bé để biết được sở thích của bé là gì, từ đó tạo điều kiện để các bé được học một môn năng khiếu theo sở thích. Việc trẻ có một năng khiếu trong tương lai không chỉ giúp giảm áp lực học tập mà còn giúp trẻ tự tin trong môi trường giáo dục, trong xã hội, từ đó sẵn sàng tỏa sáng.
Nếu chưa phát hiện được năng khiếu thực sự của các bé, ba mẹ hãy tập trung vào âm nhạc và hội họa. Đây là hai môn năng khiếu có tác động rất lớn trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. m nhạc, đặc biệt là nhạc đồng dao, được đánh giá là một môn nghệ thuật có khả năng bồi dưỡng tâm hồn. Vì vậy, khi cho trẻ nghe nhạc và học nhạc, phụ huynh sẽ giúp trẻ có tâm hồn tinh tế cũng như xây dựng khả năng hiểu biết. m nhạc cũng là một phương tiện giúp trẻ tránh những suy nghĩ tiêu cực và bi quan.
Trong khi đó, hội họa giúp kích thích tư duy của trẻ, đặc biệt là tư duy trừu tượng. Tiếp xúc với màu sắc cùng cấu trúc hình ảnh sẽ giúp trẻ phát triển trí tưởng tượng sắc bén, khả năng phân tích và khả năng tư duy trừu tượng cao trong tương lai. Điều này mang ý nghĩa quan trọng đối với quá trình học tập và cuộc sống của trẻ sau này.
4. Học môn thể thao yêu thích
5 tuổi thường là thời điểm mà các bậc ba mẹ có thể bắt đầu xem xét lựa chọn một môn thể thao phù hợp với mỗi bé. Trong giai đoạn này, trẻ cần hoàn thiện các kỹ năng cơ bản như đi lại, giao tiếp và phát triển thể chất. Do đó, việc cho trẻ tham gia các hoạt động thể dục và thể thao sẽ rất có lợi cho sự phát triển của trẻ. Tập thể thao không chỉ giúp các bé cải thiện sức khỏe, phát triển chiều cao mà còn là khoảng thời gian để bé giải tỏa áp lực học tập và thư giãn thoải mái sau những giờ học căng thẳng. Đây cũng là lúc để ba mẹ cùng chia sẻ niềm vui với con, có cơ hội được gần gũi và thấu hiểu con hơn.
Đặc biệt, cho trẻ tham gia vào những hoạt động thể chất còn giúp ngăn ngừa các tác động tiêu cực của mạng xã hội, công nghệ đến trẻ. Theo đó, ba mẹ có thể tạo điều kiện để bé được theo học môn bóng rổ, bơi lội, đạp xe, đá bóng, chạy bộ, bóng bàn, trượt patin, thể dục dụng cụ, múa lụa,…
5. Học tự lập
Tự lập chính là kỹ năng không thể thiếu đối với trẻ. Bởi trong xã hội hiện nay đòi hỏi con người phải suy nghĩ và hành động tích cực, không phụ thuộc vào người khác. Vì vậy, phụ huynh cần xây dựng nền tảng để trẻ phát triển thói quen tích cực và tự chủ từ bây giờ, bằng cách dạy trẻ tự ăn uống, tự mặc quần áo, phụ giúp làm việc nhà và sắp xếp sách vở.
Việc dạy trẻ những kỹ năng này cũng giúp phụ huynh có nhiều thời gian để làm những công việc khác. Hơn nữa, nếu ba mẹ có việc đột xuất không thể bên cạnh chăm sóc thì bé cũng sẽ có thể tự lo cho bản thân được. Điều này sẽ giúp ba mẹ cảm thấy phần nào yên tâm, tự hào khi nhìn thấy con mình trưởng thành và biết tự chăm sóc bản thân.
Đặc biệt, nếu phụ huynh định hướng cho con học tập tại các trường cao cấp hoặc quốc tế, việc dạy trẻ tính tự lập cần được ưu tiên hàng đầu để tránh các bé không bị lạc lõng ở trường học sau này.
6. Cùng ba mẹ đọc sách
Việc đọc sách cùng con là một phương pháp hiệu quả để dạy bé 5 tuổi vì ở độ tuổi này, trẻ đã biết cách phát âm và ghi nhớ nội dung của các câu đơn giản và có thể kể lại chúng. Vì vậy, việc ba mẹ và con đọc sách hàng ngày trong giai đoạn này sẽ giúp trẻ rèn luyện và củng cố kỹ năng đọc hiểu, giúp kích thích trí tưởng tượng của trẻ, đồng thời tạo thói quen yêu thích đọc sách cho trẻ. Ba mẹ nên chọn những câu chuyện ngắn, đơn giản và dễ hiểu, có ít chữ và nhiều hình ảnh, cùng với nội dung phù hợp với trẻ.
Khi đọc sách cho con, ba mẹ cần chú ý giọng điệu nhẹ nhàng, hóa thân vào nhân vật từ lời nói đến biểu cảm và tiếng kêu,… Điều này sẽ tạo ấn tượng và giúp trẻ nhớ lâu đến câu chuyện bạn kể. Ngoài ra, ba mẹ cũng nên khuyến khích các bé tham gia vào câu chuyện bằng cách hướng dẫn bé chỉ vào những từ vựng, hình ảnh có trong sách, để bé chủ động lật trang sách,… Tóm lại, ba mẹ nên đảm bảo trẻ được trở thành “một phần” trong câu chuyện được đọc.
7. Học cách thích nghi
Khả năng thích nghi được hiểu đơn giản là khả năng linh hoạt và nhanh chóng thích ứng với sự biến đổi và thay đổi của môi trường và tình huống. Trẻ em cần được trang bị kỹ năng thích nghi để phù hợp với cuộc sống đầy bận rộn và hối hả hiện nay. Nhờ có khả năng thích nghi, trẻ sẽ có khả năng nắm bắt cơ hội và dễ dàng đối phó với những biến động bất ngờ. Ngoài ra, khả năng thích nghi còn giúp trẻ:
– Tự khám phá và học hỏi những điều mới.
– Phân tích và giải quyết các tình huống thách thức, trở ngại và khó khăn trong quá trình học tập, sinh hoạt và làm việc.
– Xây dựng và tích lũy kinh nghiệm, cũng như khả năng làm việc theo nhóm.
– Trở nên kiên cường và mạnh mẽ hơn khi đối mặt với khó khăn và thử thách.
Để trẻ có thể tồn tại và phát triển dù ở bất kỳ điều kiện nào, bất kể có thiếu thốn hay dư đủ ba mẹ cần dạy trẻ:
– Kỹ năng thích nghi với thực phẩm: Ba mẹ nên đảm bảo rằng trẻ được tiếp cận với đa dạng món ăn, bao gồm rau củ và các loại thịt, để giúp trẻ có sự hứng thú và dễ dàng hơn trong việc ăn uống.
– Kỹ năng thích nghi với môi trường: Ba mẹ nên từ từ cho trẻ thích nghi với những thay đổi thời tiết bất thường bằng cách cho phép trẻ trải nghiệm các hoạt động “dầm mưa dãi nắng” một cách vừa phải nhằm nâng cao khả năng chịu đựng và thích nghi của trẻ.
– Kỹ năng thích nghi với xã hội: Ba mẹ có thể cho trẻ tham gia vào các hoạt động xã hội để rèn kỹ năng giao tiếp và tương tác với người khác. Ví dụ, ba mẹ có thể hướng dẫn trẻ cầm tiền và tự trả tiền cho người bán hàng, hoặc giao cho trẻ nhiệm vụ đơn giản như mua và nhận hàng. Những hoạt động như vậy giúp trẻ trở nên tự tin hơn trong việc giao tiếp và làm việc với người khác.
– Kỹ năng thích nghi với công việc và trách nhiệm: Ba mẹ có thể dạy trẻ cách thực hiện các nhiệm vụ và trách nhiệm của mình. Bằng cách phân công cho trẻ các nhiệm vụ nhỏ trong gia đình hoặc trong trường học, trẻ sẽ học cách quản lý thời gian và phối hợp công việc một cách hiệu quả. Điều này giúp trẻ phát triển kỹ năng tự lập và thích nghi với tình huống làm việc.
Bằng cách dạy trẻ các kỹ năng thích nghi trong việc ăn uống, môi trường, xã hội, công việc, ba mẹ sẽ giúp trẻ phát triển một tư duy linh hoạt và tự tin, sẵn sàng đối mặt với những thách thức và tạo ra sự thành công trong cuộc sống.
8. Học cách yêu thương và chia sẻ
Tất cả chúng ta đều biết rõ rằng tình yêu là một yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống. Bởi tình yêu thương là hạt giống làm nảy nở mọi điều xinh đẹp trên thế gian, là cơ sở quan trọng để xây dựng một phẩm chất tốt đẹp để bước tới một tương lai tươi sáng cho các em nhỏ.
Nhận được tình yêu thương từ gia đình sẽ giúp trẻ phát triển tâm lý một cách an toàn hơn, mang lại sự yên tâm để bé tập trung vào việc phát triển trí tuệ, thể chất và các khía cạnh khác. Đồng thời, điều này cũng giúp trẻ tự tin hơn trong việc tỏa sáng trước mọi người. Để dạy trẻ biết yêu thương và chia sẻ, ba mẹ có thể áp dụng một số phương pháp như sau:
– Tạo cho trẻ một môi trường sống đầy tình yêu thương từ bạn bè và gia đình.
– Làm gương cho con bằng cách thể hiện tình yêu thương đối với nhau.
– Dạy trẻ cách thể hiện tình yêu thương đến mọi người.
– Không tiếc lời khen ngợi và tặng thưởng cho trẻ.
– Giúp trẻ phát triển kỹ năng quan tâm và yêu thương qua việc đọc sách.
– Nếu có thể, cho trẻ nuôi thú cưng hoặc trồng cây, hoa.
– Dạy trẻ cách chia sẻ đồ ăn, đồ chơi cùng bạn bè.
– Cho trẻ thực hiện các hoạt động từ thiện khi còn nhỏ để khởi sinh hạt giống yêu thương trong mỗi bé.
Việc áp dụng những cách trên sẽ giúp trẻ phát triển tình yêu thương và chia sẻ một cách tự nhiên và lành mạnh.
9. Học cách chăm sóc bản thân
Việc chỉ dạy cho trẻ những kỹ năng tự chăm sóc bản thân không chỉ giúp bé tự quản lý và chăm sóc cho bản thân mình mà còn phát triển khả năng chăm sóc và quan tâm đến những người xung quanh, đặc biệt là những người mà trẻ yêu thương như ông bà, ba mẹ, anh chị em… Ngoài ra, việc hướng dẫn trẻ những kỹ năng tự chăm sóc bản thân từ khi còn nhỏ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển tinh thần, nâng cao sức khỏe cả về thể chất và trí tuệ cho trẻ. Kỹ năng này cũng giúp trẻ rèn luyện tính độc lập, tránh phụ thuộc quá nhiều vào người khác, phát triển tinh thần trách nhiệm và tự giác trong mọi hành động và lời nói của mình. Có một số kỹ năng tự chăm sóc bản thân mà ba mẹ có thể dạy cho trẻ mầm non như:
– Dạy trẻ giữ gìn vệ sinh cá nhân và chăm sóc các bộ phận cơ thể một cách đúng cách.
– Hướng dẫn trẻ quản lý và vệ sinh đồ dùng cá nhân.
– Xây dựng thói quen sinh hoạt lành mạnh trong cuộc sống hàng ngày.
– Dạy trẻ tự mặc đồ mà không cần sự trợ giúp.
– Hướng dẫn trẻ tắm một cách độc lập.
– Dạy trẻ cách lựa chọn trang phục phù hợp với thời tiết.
– Hướng dẫn trẻ cách buộc dây giày.
– Dạy trẻ cách rửa bát.
– Khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động nấu ăn.
– Giới thiệu cho trẻ về tình huống khẩn cấp và cách gọi cấp cứu.
Những kỹ năng này giúp trẻ trở nên tự tin và độc lập trong việc chăm sóc bản thân, đồng thời phát triển trách nhiệm và khả năng xử lý tình huống một cách tự tin và nhanh chóng khi cần thiết.
10. Học ngoại ngữ
5 tuổi là thời kỳ vàng để trẻ học tiếng Anh bởi vì trong giai đoạn này, trí não của trẻ phát triển rất mạnh mẽ, với khả năng tiếp thu kiến thức đáng kinh ngạc. Hơn nữa, ở lứa tuổi đã hoàn thiện về khả năng nghe, nói, nhận biết sẽ giúp cho việc học của bé trở nên dễ dàng, hiệu quả hơn. Việc dạy tiếng Anh cho trẻ 5 tuổi lúc này nên dựa trên tinh thần cởi mở tiếp thu là chính. Cụ thể các bé sẽ cảm thấy thích thú hơn khi được chủ động nhìn, nghe, nói, từ đó bắt chước theo kiểu phát âm, ngữ điệu.
Giai đoạn bắt đầu cho bé làm quen với ngoại ngữ ở 5 tuổi sẽ giúp trẻ tránh khỏi sự bỡ ngỡ khi bước vào lớp 1. Vì được tiếp cận từ sớm nên bé sẽ cảm thấy quen thuộc và trở nên tự tin khi sử dụng ngoại ngữ. Khi dạy học tiếng Anh cho bé 5 tuổi, ba mẹ có thể chú ý đến những nội dung như sau: Học ngữ âm, học từ vựng, học nghe, học nói tiếng Anh. Trong đó, khi học từ vựng, ba mẹ nên hướng dẫn bé lắp ghép các từ, bắt đầu bằng những chủ đề thân quen. Nếu có thể, ba mẹ nên sử dụng tiếng Anh để giao tiếp với bé trong các hoạt động sinh hoạt hằng ngày để nâng cao kỹ năng ngoại ngữ và sự tự tin cho trẻ.
Xem thêm >> Trẻ 4 tuổi phát triển như thế nào?