Mặc dù có ngày dự sinh nhưng vào những tuần cuối thai kỳ em bé sẵn sàng chào đời bất kỳ lúc nào. Dưới đây là những dấu hiệu mẹ bầu cần lưu ý:
Những dấu hiệu chứng tỏ em bé đã sẵn sàng chào đời
Khi đã qua 37 tuần, mẹ bầu hãy sẵn sàng cho cuộc chuyển dạ, có dấu hiệu chuyển dạ sớm, có dấu hiệu chuyển dạ thực sự. Đây là quá trình sinh lí tự nhiên nhưng nhiều mẹ bầu cũng khá bỡ ngỡ:
Dấu hiệu chuyển dạ sớm
- Sa bụng, trằn bụng dưới
Để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ, thai nhi sẽ quay đầu, chuyển dần dần xuống vùng xương chậu. Lúc này, mẹ bầu sẽ có cảm giác trằn bụng dưới và lưng dưới. Hiện tượng này thường xảy ra khoảng 2 tuần trước khi sinh hoặc cũng có trường hợp chỉ vài giờ trước khi sinh.
- Cổ tử cung giãn nở
Thời gian chuẩn bị sinh, cổ tử cung sẽ giãn và mỏng dần để tạo điều kiện thuận lợi cho em bé chào đời dễ dàng nhất. Vì thế, thời điểm cuối thai kỳ, mẹ bầu nên chủ động khám thai thường xuyên để các bác sĩ theo dõi độ xóa mở cổ tử cung bằng cách khám âm đạo.
Dấu hiệu chuyển dạ thực sự
- Bung nút nhầy
Ở những tuần cuối thai kỳ, từ tuần 38, 39, 40 nếu âm đạo tiết ra chất nhầy có màu hồng, nâu, hoặc hơi có máu thì đó chính là hiện tượng bung nút nhầy, em bé chuẩn bị chào đời. Có sản phụ từ khi bung nút nhầy đến khi sinh chỉ vài giờ hoặc vài ngày nhưng có sản phụ phải 1-2 tuần sau mới vào phòng sinh.
- Cơn gò tử cung xuất hiện
Cơn gò tử cung là cảm giác bụng co cứng. Những cơn co tử cung sẽ xuất hiện đều đặn, thời gian co lâu hơn 25 giây, trong 10 phút có khoảng 2 cơn co. Cơn co tử cung sẽ dồn dập trong khoảng 1-2 giờ, và tăng dần về cường độ, tần số. Điều này chứng tỏ đã có cuộc chuyển dạ thực sự.
- Vỡ ối
Đây là dấu hiệu dễ thấy nhất, nếu bị vỡ ối, xuất hiện nước trào ra từ âm đạo thì kể cả chưa đau bụng, mẹ bầu cũng cần lập tức đến bệnh viện ngay. Tùy cơ địa từng người, có mẹ bầu khi bị vỡ ối sẽ có một dòng nước tuôn mạnh, đột ngột từ âm đạo, nhưng cũng có người nước ối sẽ rỉ từng dòng, chảy chầm chậm xuống chân.
Phân biệt đau đẻ thật và giả để chuẩn bị tâm lý thật tốt
Mẹ bầu cần nhận diện cơn đau đẻ thật chính xác, không bị nhầm lẫn giữa cơn gò thông thường và cơn đau chuyển dạ:
Đau đẻ giả (Cơn gò Braxton Hicks)
Mẹ bầu sẽ cảm nhận được các cơn gò Braxton Hicks xuất hiện gián đoạn, không theo chu kì. Những cơn gò này thúc đẩy máu đến nhau thai, làm săn chắc mà không làm giãn cổ tử cung. Đau đẻ giả sẽ hết nếu thay đổi tư thế hoặc nằm nghỉ ngơi.
Đau đẻ thật (Cơn gò chuyển dạ)
Khi chuyển dạ thật, mẹ bầu sẽ cảm nhận rõ ràng cơn đau bụng lan từ lưng ra trước bụng. Mỗi cơn gò sẽ kèm theo đau bụng khoảng 30 – 50 giây, 2 cơn co trong 10 phút, đau dồn dập, liên tục. Ngoài ra mẹ bầu sẽ xuất hiện tình trạng vỡ ối, chuột rút, tiêu chảy…
Sản phụ nên làm gì khi có chuyển dạ thực sự?
Trong giai đoạn chuyển dạ tích cực, các cơn co tử cung sẽ tăng dần cả về tần số và cường độ khiến sản phụ mệt mỏi, cáu gắt, la hét. Tuy nhiên, những điều này chỉ khiến bạn bị mất sức khi rặn đẻ. Vì thế, sản phụ cần làm theo hướng dẫn của các bác sĩ và nữ hộ sinh để quá trình sinh con thuận lợi nhất:
- Vận động, đi lại liên tục, khi cơn đau xuất hiện nên hít sâu, thở nhẹ nhàng để giúp cơn co đều đặn. Sự lưu thông khí tốt sẽ giúp em bé được cung cấp đầy đủ oxy, không bị ngạt
- Tranh thủ thời gian giữa các cơn gò, sản phụ nên ăn nhẹ những món như cháo, súp, trái cây…. những thực phẩm dễ tiêu hóa. Đồng thời uống đủ nước để có đủ năng lượng vượt qua cơn chuyển dạ.
- Sản phụ có thể nhờ chồng mát xa thắt lưng, vai. Có chồng ở bên sẽ hỗ trợ rất nhiều về tinh thần cho sản phụ.
- Nếu tình trạng đau vượt ngưỡng chịu đựng, các bác sĩ sẽ sử dụng các biện pháp giảm đau chuyển dạ để sản phụ đủ sức khỏe và tinh thần tốt chào đón con yêu chào đời.
Vượt cạn là một quá trình khó nhọc nhưng vô cùng hạnh phúc. Sản phụ sẽ đau đớn, mệt mỏi nhưng chỉ cần nghe tiếng con oe oe khóc là hạnh phúc trào dâng. Để cuộc sinh nở thuận lợi, mẹ bầu nên để ý dấu hiệu sắp sinh, nhanh chóng đến bệnh viện để nhận được sự trợ giúp từ các y bác sĩ.
QuickStick không chỉ chia sẻ thông tin mà còn là bạn đồng hành cùng mẹ chăm sóc bé yêu. Hãy cùng Quickstick khám phá và ứng dụng nhé!