Hiện nay, tình trạng rối loạn phát triển ở trẻ ngày một tăng cao. Nếu trẻ được phát hiện sớm và có những phương án can thiệp kịp thời có thể giúp trẻ hạn chế những trở ngại sau này. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ chưa biết cách hoặc cho con đi kiểm tra như thế nào, cũng như cho con can thiệp các vấn đề gặp phải từ khi nào.
1. Kiểm tra cho trẻ như thế nào?
Quá trình thăm khám, đánh giá và sàng lọc cho trẻ được thực hiện bởi các bác sĩ, chuyên gia tâm lý. Trong quá trình đó, các bác sĩ, chuyên gia tâm lý sẽ tương tác trực tiếp nhầm phát hiện và đánh giá các vấn đề trẻ đang gặp phải, sau đó đưa ra hướng can thiệp phù hợp nếu như trẻ có các vấn đề về rối loạn.
Ngoài ra, trong suốt buổi kiểm tra, chẩn đoán/ đánh giá, luôn cần có cha mẹ hoặc người chăm sóc chính hợp tác, vì cha mẹ hoặc người chăm sóc chính sẽ đóng vai trò quan trọng để cung cấp các thông tin liên quan đến sinh hoạt hàng ngày cũng như biểu hiện ở nhà của trẻ, giúp các bác sĩ, chuyên gia tâm lý nắm bắt rõ hơn các các vấn đề của trẻ. Qua đó, cha mẹ cũng biết được vấn đề con mình đang gặp phải là gì, cũng như biết được con mình sẽ được hỗ trợ can thiệp như thế nào? Quy trình ra sao? Và cha mẹ có vai trò như thế nào trong việc hỗ trợ can thiệp cho con.
2. Vai trò của gia đình ở đâu trong quá trình can thiệp cho trẻ?
Để trẻ có thể cải thiện tốt, cha mẹ đừng đặt hết trách nhiệm vào giáo viên cũng như trung tâm can thiệp, mà cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và trung tâm thì quá trình can thiệp mới đạt được kết quả tốt nhất. Khi hỗ trợ can thiệp cho trẻ tại nhà, tốt nhất là mọi người trong gia đình cùng tham gia. Dạy trẻ thông qua các đồ vật trong nhà, các tranh ảnh, qua các hoạt động sinh hoạt hàng ngày…
Việc dạy trẻ có các rối loạn phát triển đòi hỏi gia đình phải rất kiên nhẫn, liên tục, mọi lúc, mọi nơi, đòi hỏi người dạy phải trò chuyện, tương tác nhiều với trẻ. Theo các thống kê, việc cha mẹ hỗ trợ can thiệp thêm tại nhà cho trẻ góp phần giúp tăng hiệu quả can thiệp tại trung tâm cũng như cải thiện tốt vấn đề của trẻ.
3. Thời điểm nào bắt đầu can thiệp cho trẻ?
Việc phát hiện và can thiệp sớm trong 3 năm đầu đời của trẻ được xem là “thời điểm vàng” đối với quá trình chăm sóc, can thiệp (đặc biệt là đối với trẻ rối loạn phổ tự kỷ). 3 năm đầu đời diễn ra sự phát triển mạnh mẽ về cả thể chất, các chức năng thần kinh, giác quan, tâm lý… Tất cả các thành tựu phát triển của trẻ ở giai đoạn này mang lại nền tảng cơ bản nhất cho trẻ.
Nếu trẻ có các vấn đề rối loạn phổ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, chậm nói… được phát hiện sớm và can thiệp sớm ở thời điểm vàng trước 3 tuổi sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho trẻ. Và những năm tiếp theo trẻ vẫn tiếp tục được can thiệp đúng phương pháp, liệu trình thì cơ hội phát triển hoặc hòa nhập của trẻ rất cao.
Cha mẹ không nên có tâm lý chờ đợi, hy vọng trẻ sẽ “không sao”, “trẻ chỉ chậm bình thường thôi, một thời gian sau sẽ ổn”. Cha mẹ cũng không nên đưa trẻ đi khám, kiểm trả quá nhiều nơi với mong muốn “tìm được một kết quả khác như cha mẹ mong đợi”. Tất cả những điều này sẽ làm mất đi thời gian, mất cơ hội cho trẻ được can thiệp sớm. Vì thế, sau khi đã được chẩn đoán/đánh giá và phát hiện được vấn đề của trẻ, cha mẹ không nên trì hoãn mà hãy cho trẻ đến các trung tâm can thiệp uy tín càng sớm càng tốt để hỗ trợ can thiệp cho trẻ.
Việc thăm khám, chẩn đoán/đánh giá và can thiệp sớm cho trẻ có các vấn đề rối loạn phát triển là hết sức quan trọng. Vì nếu chậm trễ, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả can thiệp của trẻ, nghiêm trọng hơn, có thể trẻ sẽ không đáp ứng hoặc đáp ứng rất thấp với quá trình can thiệp. Đặc biệt, nếu như bỏ qua “giai đoạn vàng”, có thể khiến các vấn đề của trẻ càng trầm trọng hơn, thời gian can thiệp lâu hơn, sự cải thiện các vấn đề không nhiều, ảnh hưởng đến sự hoà nhập của trẻ sau này.
Nguồn: Internet (sưu tầm)
Xem thêm >> Những dấu hiệu tâm lý cần theo dõi ở trẻ.